Hưng Nguyên là huyện đồng bằng của tỉnh Nghệ An. Là vùng phụ
cận thành phố Vinh, trung tâm huyện cách thành phố Vinh 5km. Nằm trên quốc lộ
46, có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng trong và ngoài nước… nên sự phát triển
kinh tế - xã hội của huyện chịu nhiều ảnh hưởng không nhỏ của thành phố Vinh,
tỉnh Nghệ An nói riêng và của miền Trung nói chung.
Để phát huy các nguồn nội lực, tập trung huy động sức dân và
các nguồn vốn hợp pháp khác để khuyến khích thúc đẩy phát triển KTXH trên địa
bàn huyện, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đầu tư - xây
dựng, văn hóa - xã hội, đào tạo bồi dưỡng, thu hút cán bộ, đảm bảo an ninh -
quốc phòng; UBND huyện Hưng Nguyên đã ban hành quyết định số 11/2010/QĐ-UBND
ngày 25 tháng 12 năm 2010 về việc ban hành một số cơ chế chính sách khuyến
khích phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Thông qua
những cơ chế chính sách này nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân thi đua lao
động, đầu tư - sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH huyện nhà theo định
hướng. Các chính sách quy định tại quyết định này bao gồm: Chính sách hỗ trợ
nông nghiệp - thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, đầu tư - xây
dựng, giáo dục, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, văn hóa - xã hội, cụ thể như
sau:
1. Chính sách đối với sản xuất nông nghiệp:
+ Đối với trồng trọt:
- Hỗ trợ xây dựng các mô hình để giới thiệu hướng dẫn nông
dân sản xuất, mức hỗ trợ theo định mức của mô hình khuyến nông quy định.
- Hỗ trợ kinh phí chương trình sản xuất lúa chất lượng cao.
Mức hỗ trợ từ 20 – 25 triệu đồng/vụ (theo đề án được duyệt)
- Các xã, thị trấn xây dựng được cánh đồng có thu nhập cao
theo quy định (với điều kiện là phải sản xuất tập trung liền vùng, liền khoảnh
và diện tích từ 5 ha trở lên) thì được hỗ trợ một lần 5 triệu đồng/1 cánh đồng.
+ Chăn nuôi:
- Các hộ gia đình cá nhân nuôi tập trung được 5 con bò lai
sin trở lên (ít nhất 3 con sinh sản), ngoài mô hình xóm nuôi bò, trang trại
nuôi bò đã được tỉnh hỗ trợ, thì được huyện hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/hộ. Một
năm không quá 30 hộ.
- Đối với trang trại chăn nuôi bò nếu bảo đảm đầy đủ tiêu
chí, quy mô, số lượng đàn bò theo quy định, chất lượng đàn bò phát triển tốt
thì được hỗ trợ 1 lần, 10 triệu đồng/trang trại. Mỗi năm không quá 10 trang
trại.
+ Thủy sản:
- Hỗ trợ 1 lần cho các tổ chức, cá nhân chuyển đổi diện tích
hoang hóa, đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS 1 vụ lúa + 1 vụ cá, hoặc chuyên
canh (năm trong vùng quy hoạch) với mức 2 triệu đồng/ha. Mỗi năm hỗ trợ không quá
50 ha.
- Sản xuất giống thuỷ sản trong vùng quy hoạch, có quy mô 10
vạn con giống trở lên được hộ trợ 1 lần: Đối với trại cá giống truyền thống 5
triệu đồng/trại, đối với trại sản xuất cá rô phi và thủy đặc sản 10 triệu
đồng/trại.
- Đối với sản xuất cá vụ 3: Những đơn vị hoàn thành hoặc
vượt chỉ tiêu diện tích được huyện giao, đồng thời đảm bảo thời vụ, mật độ và
hiệu quả kinh tế được khen thưởng 100.000 đồng/ha.
2. Về đầu tư và xây dựng.
+ Xây dựng, nâng cấp đường giao thông, mặt đường bằng bê
tông, hoặc nhựa, rộng 3m trở lên (đường nằm trong quy hoạch được UBND tỉnh phê
duyệt) được hỗ trợ 20% giá trị công trình sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt quyết toán. Mỗi năm hỗ trợ không quá 700 triệu đồng.
+ Kiên cố hoá kênh mương loại 3 được hỗ trợ 20% giá trị công
trình sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán (khi lập dự toán
công trình không tính giá trị thu nhập chịu thuế tính trước, khuyến khich áp
dụng thiết kế định hình ở những nơi có điều kiện, các khoản chi phí khảo sát,
lập thiết kế - dự toán chỉ tính bằng 50% mức quy định, thuế VAT chỉ tính trên
giá trị vật liệu xây dựng công trình). Mỗi năm hỗ trợ không quá 500 triệu đồng.
+ Xây dựng, nâng cấp chợ nông thôn (đảm bảo tiêu chí theo
quy định) được hỗ trợ 15% giá trị công trình sau khi đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt quyết toán.
+ Xây dựng lò mổ gia súc tập trung (công suất 1 ngày giết mổ
50 con trở lên) được hỗ trợ 5 triều đồng/lò
+ Các xã, thị được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Y tế cơ
sở được hỗ trợ 20 triệu đồng.
+ Các xã, thị được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hoá được hỗ
trợ 30 triệu đồng.
+ Xây dựng, nâng cấp nhà văn hoá khối, xóm được hỗ trợ 1 lần
30% trên giá trị công trình được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán nhưng tối
đa không quá: 50 triệu đồng đối với xóm có đồng bào theo đạo (ưu tiên trước cho
xóm có 100% đồng bào theo đạo); không quá 20 triệu đồng đối với các xóm còn
lại. Mỗi năm không quá 15 xóm. (giao Phòng Công thương thiết kế từ 2-3 mẫu, tuỳ
theo quy mô để các xã đăng ký).
+ Xây dựng, nâng cấp các di tích văn hoá, lịch sử đã được
xếp hạng (ngoài các di tích đã được cấp trên đầu tư theo dự án) sau khi được
phê duyệt quyết toán, hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng, mỗi năm không quá 5 di
tích;
+ Các xã, thị xây dựng được nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ, được
hỗ trợ từ 20 - 30 triệu đồng tùy quy mô công trình.
+ Các trường học đạt chuẩn Quốc gia thì được hỗ trợ:
- Mầm non, tiểu học: 20 triệu đồng đối với đạt chuẩn bước 1;
30 triệu đồng đối với đạt chuẩn bước 2.
- THCS, THPT: 30 triệu đồng đối với đạt chuẩn bước 1; 50
triệu đồng đối với đạt chuẩn bước 2.
+ Các xã Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản được hỗ trợ từ 10 -
20 triệu đồng tuỳ theo quy mô vùng quy hoạch.
+ Khối, xóm, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá: Đối với
khối, xóm được hỗ trợ lần đầu 5 triệu đồng, nếu giữ vũng danh hiệu liên tục
trong 3 năm (tính từ năm 2009) được hỗ trợ 1 triệu đồng; Đối với cơ quan, đơn
vị hỗ trợ 1 lần từ 1 - 2 triệu đồng, tuỳ theo quy mô từng cơ quan.
3. Về chính sách khen thưởng giáo viên, học sinh đạt thành
tích cao trong giảng dạy và học tập.
Giáo viên, học sinh có thành tích cao trong giảng dạy và học
tập, ngoài chế độ khen thưởng của cấp trên được huyện hỗ trợ thêm, như sau:
- Đạt giáo viên giỏi quốc gia: 1 triệu đồng;
- Đạt giáo viên giỏi tỉnh, loại xuất sắc: 0,5
triệu đồng;
- Giáo viên có Học sinh giỏi quốc gia: 1 triệu
đồng;
- Giáo viên có Học sinh giỏi tỉnh: Giải nhất 0,3
triệu đồng/học sinh; giải nhì 0,2 triệu đồng/học sinh; giải ba 0,15 triệu
đồng/học sinh;
- Học sinh giỏi quốc gia: 1 triệu đồng;
- Học sinh giỏi tỉnh, loại xuất sắc: 0,3 triệu
đồng; Giải nhất 0,3 triệu đồng; giải nhì 0,2 triệu đồng; giải ba 0,15 triệu
đồng;
- Học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt bình quân 8,5
điểm/môn trở lên, đậu Đại học bình quân 9 điểm/môn trở lên (không tính điểm ưu
tiên, khuyến khích): 0,3 triệu đồng/học sinh;
4. Về chính sách khen thưởng kế hoạch hoá gia đìn.
+ Các xã, thị trấn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm
giảm từ 5% trở lên được thưởng từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng tuỳ theo dân số
từng xã .
+ Các xóm, khối không có người sinh con thứ 3 trở lên 2 năm
liên tục được thưởng 200.000 đồng, 5 năm liên tục trở lên 500.000 đồng, 10 năm
liên tục trở lên 1.000.000 đồng .
5. Chính sách đối với Tiểu thủ công nghiệp.
Các xã, thị trấn có làng nghề, được UBND tỉnh cấp bằng công
nhận, được hỗ trợ từ 15 triệu đến 30 triệu đồng/ làng nghề tuỳ quy mô tính chất
loại hình.
6. Chính sách đối với xuất khẩu lao động và đào tạo nguồn
nhân lực.
+ Người đi xuất khẩu lao động được hỗ trợ 30% chi phí để học
nghề, ngoại ngữ (phải có Hợp đồng với các Công ty được phép XKLĐ).
+ Các xã có quy mô dân số dưới 5.000 người nếu xuất khẩu
được 70 lao động/năm thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/xã, cứ vượt được 10 người thì
được thưởng 200.000đồng/xã, và các xã có quy mô dân số trên 5.000 ngưòi nếu
xuất khẩu được 100 lao động/năm thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/xã, cứ vượt
15 người thì được thưởng 200.000 đồng/xã.
+ Cán bộ (huyện quản lý) đi học thạc sĩ trở lên, được cấp
bằng, có cam kết phục vụ tại huyện ít nhất là 5 năm: Trong nguồn quy hoạch hỗ
trợ 5 triệu đồng, không nằm trong nguồn quy hoạch được hỗ trợ 2 triệu đồng. Đối
với cán bộ nữ được hỗ trợ thêm 30%.
+ Khuyến khích các sinh viên KHKT các chuyên ngành thuỷ sản,
giao thông, xây dựng, thuỷ lợi, y tế, tốt nghiệp đại học chính quy loại khá và
giỏi về huyện sau khi được tiếp nhận theo chính sách nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ, thì được ưu tiên bố trí công tác phù hợp với chuyên môn và được hỗ
trợ 5 triệu đồng/người đối với người tốt nghiệp loại khá, 7 triệu đồng/người
đối với người tốt nghiệp loại giỏi.
Bác sỹ về xã, thị trấn công tác từ 3 năm trở lên được hỗ trợ
1 lần 10 triệu đồng.
Bác sỹ đã nghỉ hưu về xã, thị trấn làm hợp đồng được hỗ trợ
tối đa 3 triệu đồng/tháng.
7. Chính sách phòng, chống ma tuý.
+ Các đơn vị tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma tuý tại
gia đình và cộng đồng theo quy định của Nhà nước, thì được hỗ trợ 3 triệu
đồng/người. Đơn vị tổ chức cai nghiện nhận số tiền này sau khi đối tượng cai
nghiện xong .
+ Các đơn vị đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện tập trung
tại cơ sở của tỉnh, thì được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
+ Các xã, thị trấn không có thêm người nghiện ma tuý được
thưởng 500.000 đồng.
+ Các xã, thị trấn giữ vững danh hiệu sạch ma tuý được
thưởng 3 triệu đồng.
+ Hỗ trợ lực lượng phòng chống ma tuý từ 1-3 triệu đồng/vụ
theo quy định phải khởi tố, (mức hỗ trợ tuỳ theo tính chất từng vụ).
8. Chính sách di dân đối với những vùng sạt lỡ.
Những hộ gia đình di chuyển ra khỏi vùng sạt lỡ do thiên
tai, nếu được hưởng chính sách dự án thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, nếu không
có chính sách dự án thì được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.
9. Chính sách hỗ trợ vốn để thực hiện Đề án kiên cố hoá
trường lớp học giai đoạn 2008-2012:
- Năm 2008: Tỉnh 80%, huyện 10%, xã 10%;
-.Năm 2009- 2012: Dự án huyện làm chủ đầu tư thì Tỉnh 70%,
huyện 15%, xã 15%. Dự án xã làm chủ đầu tư thì Tỉnh 70%, huyện 10%, xã 20%.
10. Hỗ trợ vượt thu tiền cấp quyền sử dụng đất so dự toán
được giao:
Các xã, thị trấn vượt thu tiền cấp quyền SDĐ được huyện hỗ
trợ lại 1 phần từ ngân sách huyện hưởng trên số vượt thu đó để các xã, thị trấn
đầu tư xây dựng các công trình (không áp dụng cho thu tiền cấp quyền SDĐ từ
GPMB tái định cư), mức hỗ trợ như sau:
- Vượt đến 50% dự toán thì điều tiết 100% phần huyện hưởng.
- Vượt trên 50% đến 100% dự toán thì điều tiết 50% phần
huyện hưởng.
- Vượt trên 100% đến 150% dự toán thì điều tiết 25% phần
huyện hưởng.
- Vượt trên 150% dự toán trở lên thì điều tiết 10% phần
huyện hưởng.
- Riêng 5 xã dọc đường ven Sông lam, gồm: Hưng Long, Hưng
Lam, Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Nhân, nếu vượt thu thì được hỗ trợ 100% phần
ngân sách huyện hưởng trên số vượt thu đó.
11. Hỗ trợ cấp đổi giấy chứng nhận quyền SDĐ: Hỗ trợ cho các
hộ gia đình cấp đổi giấy chứng nhận quyền SDĐ 10.000/giấy
12. Nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách huyện để đầu
tư cho cơ chế chính sách.
+ Cơ cấu nguồn vốn để đầu tư cho cơ chế chính sách hàng năm,
bao gồm:
- Nguồn sự nghiệp kinh tế.
- Từ nguồn tiền cấp quyền sử dụng đất (phần điều tiết cho
ngân sách huyện).
- Từ quỹ thi đua khen thưởng hàng năm của huyện.
- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
+ Dự kiến phân bổ sử dụng nguồn kinh phí chi cho cơ chế
chính sách:
- Các cơ chế chính sách không mang tính chất xây dựng cơ bản
và khen thưởng thì sử dụng trong nguồn sự nghiệp kinh tế; trong đó đầu tư cơ
chế chính sách nông nghiệp chiếm từ 60 - 65%, 35 - 40% là các nội dung còn lại
.
- Các cơ chế chính sách có tính chất xây dựng cơ bản thì sử
dụng từ nguồn tiền cấp quyền sử dụng đất.
- Các cơ chế chính sách có tích chất khen thưởng thì sử dụng
từ quỹ thi đua khen thưởng hàng năm của huyện.
+ Đối với các CCCS đột xuất quy định tại mục 3, điều 2,
chương 1, nếu nguồn kinh phí cân đối theo dự toán không đủ phải sử dụng các
nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) thì UBND huyện thống nhất với Thường Trực
HĐND huyện để thực hiện, và tổng hợp báo cáo HĐND huyện tại kỳ họp gần
nhất.
Để làm tốt các cơ chế chính sách này đòi hỏi các ngành, các
cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, chuyên môn phụ trách cần hướng
dẫn cổ vũ động viên nông dân chủ động đầu tư sản xuất, tránh tình trạng trông
chơ vào cơ chế chính sách mới thực hiện đầu tư sản xuất. Đồng thời phải bảo đảm
nguồn tài chính phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, không để mất cân đối gây
nên tình trạng nợ đọng cơ chế chính sách trong ngân sách huyện. Việc quản lý và
sử dụng nguồn hỗ trợ phải đúng mục đích, đối tượng, có hiệu quả và đúng
chế độ tài chính hiện hành./.
Nguồn: Phòng TC-KH Hưng Nguyên
|